Giá gạo xuất khẩu của VN đang cao nhất thế giới, lượng gạo xuất đi cũng lập kỷ lục… thế nhưng nghịch lý là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn liên tục than lỗ. Đâu là nguyên nhân?
Lỗ vì bán gạo “nhầm phân khúc” ?
Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, doanh thu thuần trong quý 3/2023 đạt 4.461 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái; mảng lúa gạo đóng góp hơn 4.000 tỉ đồng, chiếm 88% tổng doanh thu trong kỳ và cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022. Lũy kế trong 9 tháng 2023, Lộc Trời có doanh thu thuần hơn 10.440 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn gần 20 tỉ đồng. Tương tự, Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết trong 9 tháng, doanh thu thuần đạt 3.479 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ nhưng lãi chỉ 12,8 tỉ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp kêu lỗ, thậm chí có doanh nghiệp báo lỗ đến 6 – 7 tỉ đồng kể từ đầu năm đến nay.
Lý giải về vấn đề này, một chuyên gia ngành lúa gạo cho rằng do thị trường gạo thế giới cơ bản có 2 phân khúc là gạo thơm đặc sản chất lượng cao như Basmati của Ấn Độ hay Hom Mali của Thái Lan và gạo trắng hạt dài. Trong khi đó, các loại gạo thơm chất lượng cao của VN nằm ở giữa hai phân khúc trên. Do không chen chân được vào nhóm trên nên một thời gian dài chúng ta phải chịu bán vào phân khúc gạo trắng hạt dài, giá thấp, chịu thiệt thòi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến không đồng tình với nhận định này. Thực tế, thị trường thế giới đúng là tồn tại 2 phân khúc gạo như nói trên nhưng vài năm trở lại đây, VN gần như đã tạo ra một phân khúc trung gian giữa 2 phân khúc đó với giá xuất khẩu thời điểm bình thường khoảng 550 – 630 USD/tấn. Vì vậy, nói chúng ta bán gạo “nhầm” phân khúc thấp lúc này là không hợp lý. Chuyện này có thể xuất hiện nhiều năm về trước khi chất lượng gạo VN chưa được định hình rõ nét như hiện tại. Còn những năm gần đây, giá gạo xuất khẩu VN thường xuyên ở mức cao nhất thế giới nên có thể khẳng định là không có việc nhầm.
“Ở phân khúc này, gạo VN thật sự vô địch và nó thật sự phù hợp với nhiều thị trường cả về chất lượng và giá cả, được người tiêu dùng nhiều nước ưa chuộng như Philippines, Malaysia, các nước châu Phi”, chuyên gia thị trường gạo thế giới Phạm Mai Hương, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, nhận xét.
Do thiếu thông tin, dự báo sai
Nhìn về năm 2022 giá gạo 5% tấm của VN vào tháng 6 là 418 USD/tấn còn gạo Thái Lan 413 USD/tấn. Đến tháng 11.2022, gạo VN là 440 USD/tấn và Thái Lan là 433 USD/tấn.
Trong năm 2023, giá gạo hồi tháng 6 của VN và Thái Lan cùng đạt mức 508 USD/tấn và đến thời điểm hiện tại, gạo VN lên mức 663 USD/tấn còn Thái Lan là 585 USD/tấn. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, đây chỉ là giá tham khảo vì thực tế, giá gạo giao dịch đã lên tới con số 700 USD/tấn. Giá lúa trong dân từ mức 4.700 – 5.000 đồng/kg của những năm trước nay đã tăng lên tới 9.100 – 9.200 đồng/kg. Cả giá lúa nguyên liệu và gạo xuất khẩu đều ở mức cao “không tưởng” chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp gạo “sụp hầm”. Bởi đặc thù của đa số doanh nghiệp xuất khẩu gạo là không có vùng nguyên liệu, họ ký hợp đồng trước sau đó thu gom lúa gạo nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Khi nhu cầu tăng đột biến, giá nội địa tăng nhanh hơn giá thế giới làm các doanh nghiệp không kịp trở tay mà buộc họ phải chạy theo thị trường nên… lỗ.
Nhìn từ trường hợp trúng thầu hợp đồng của Indonesia cũng thể hiện rõ điều này. Ngày 11.9 vừa qua, Indonesia thông báo mở thầu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm. Vào thời điểm đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của VN ở mức 628 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 10 USD và cao hơn Pakistan 20 USD. Vài ngày sau, một doanh nghiệp ở Đồng Tháp xác nhận với báo chí trúng thầu với khối lượng 50.000 tấn, có giá dao động khoảng 640 – 650 USD/tấn. Thời gian giao hàng từ tháng 9 đến ngày 30.11.2023. “Có lãi mình mới dám tham gia, chứ bây giờ gạo cuối mùa, nguồn cung ít nên đâu dám mạo hiểm”, lãnh đạo đơn vị này được báo chí dẫn lời.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, giá gạo đang ở mức 660 – 700 USD/tấn. Nếu doanh nghiệp nói trên có đủ nguồn hàng dự trữ từ trước khi ký hợp đồng với Indonesia thì sẽ không bị lỗ nhưng cũng hụt nguồn tiền để thu mua gạo cho các hợp đồng mới. Còn nếu không đủ nguồn hàng dự trữ và phải thu mua lúc này thì cầm chắc lỗ. Đó là tình cảnh của nhiều doanh nghiệp gạo hiện nay. Đến tháng 10, Indonesia tiếp tục mời thầu 500.000 tấn gạo. Theo nguồn tin riêng của Thanh Niên, có doanh nghiệp VN trúng thầu nhưng không đơn vị nào dám lộ thông tin này vì sợ sẽ làm nóng thị trường nội địa. Dù vậy, giá thị trường vẫn tăng theo xu hướng chung của thế giới.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA): Một số doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường và chủ quan dẫn đến dự báo sai và đưa ra các quyết định không đúng. Cụ thể như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được đưa ra hồi tháng 7 nhưng thực tế từ tháng 5, VFA đã nghe thông tin và chia sẻ với các hội viên. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp không nghĩ như thế, thấy giá gạo đang tốt nên vẫn ký hợp đồng với đối tác. Đến khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm, giá cứ tăng vọt nên nhiều doanh nghiệp bị bất ngờ, trở tay không kịp. “Gạo là mặt hàng lương thực quan trọng của một nửa dân số trên hành tinh này. Các nước đông dân nhất thế giới hiện nay là các nước sử dụng nhiều gạo nhất. Chính vì vậy, gạo không chỉ là hàng hóa thông thường mà nó còn mang yếu tố chính trị, sự nhạy cảm riêng của nó”, ông Nam lưu ý.
Các chuyên gia đều có chung nhận định, gạo là thị trường rất hẹp, biên độ lợi nhuận thấp nên doanh nghiệp thường chịu rủi ro cao. Giá gạo thường bị tác động bởi các yếu tố chính trị, khiến thị trường càng khó dự đoán. Cụ thể như giai đoạn hiện tại, các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar đã kết thúc vụ thu hoạch lúa lớn nhất trong năm; thông thường giá gạo thế giới sẽ giảm nhưng năm nay vẫn tăng. Hay như trước đây nhiều người dự báo sau ngày 15.10.2023, có khả năng Ấn Độ sẽ nới lỏng các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo nhưng thực tế lại không đúng như thế. Những điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp đưa ra các quyết định sai lầm và thua lỗ.
Nguồn: Báo Thanh Niên